Thánh Lễ Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng
Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng, năm B – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM B
Sách Ngôn Sứ Isaia 63.16-17; 64.1,3-8;
Thư Thứ I của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô 1.3-9
và Phúc Âm Thánh Matcô 13.33-37
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm
Tỉnh thức, cầu nguyện, canh chừng,
Thời giờ Chúa đến chưa từng thông tin.
Chủ vắng, nhà phải an ninh,
Trông chừng trộm cắp hay rình ban đêm.
Chủ về sáng tối nửa đêm,
Đầy tớ đang ngủ, ngon êm giấc nồng.
Chủ phạt, quở trách đóng gong,
Giữ nhà mà ngủ còn mong gì nhờ.
Ngàn năm Cựu Ước đợi chờ,
Đấng Cứu Thế đến không ngờ không hay.
Ngài đến dân chúng ngủ say,
Mục đồng nghèo khổ được may đến chầu.
Nhiều người sống thấy phát rầu,
Không tin, khộng biết, không cầu, không xin.
Cuộc sống trôi nổi linh tinh,
Mùa vọng nhắc nhớ niềm tin cứu đời. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
“Trời cao hãy đổ sương xuống!” Lời nguyện cầu của dân Do Thái đau khổ.
“Trời cao hãy đổ sương xuống!” Lời cầu xin của mỗi người chúng ta.
Con người cần Chúa và lệ thuộc vào Chúa như đất sét trong tay thợ gốm.
Việc Chúa đến là hồng ân cứu độ, nhưng xảy ra bất ngờ.
Biến cố bất ngờ đòi hỏi phải tỉnh thức và cảnh giác luôn.
II. Dẫn giải Phúc Âm:
Phụng Vụ năm B với Phúc Âm Thánh Matcô
Matcô không thuộc nhóm 12. Có khi ông được gọi là Gioan theo danh xưng Do Thái. Có khi ông được gọi là Matcô theo danh xưng Rôma. Matcô là con của một bà đạo đức tên Maria. Nơi căn nhà của bà Maria nầy, cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên ở Giêrusalem thường tụ họp để cầu nguyện chung. Những tín hữu đầu tiên đã tụ họp nơi đây để cầu nguyện cho Phêrô và khi Phêrô được thiên thần Chúa giải cứu khỏi ngục tù cũng đã đến tạm trú ở căn nhà nầy (Tông Đồ Công Vụ 12,3-4 và 12).
Có lẽ Matcô chính là người thanh niên bỏ cả áo choàng chạy thoát thân khi lính đến bắt Chúa trong vườn cây Dầu (Matcô 14,51). Marcô có họ hàng với Thánh Barnabê tông đồ. Marcô đồng hành với Phaolô và Barnabê từ năm 46-48. Nhưng khi đến Pamphilia thì chia tay và trở về Giêrusalem (Cvtđ 13.13). Phaolô tỏ ra bất bình trong việc chia tay nầy (Cvtđ.15.36-40), nhưng sau đó hai người đã gặp lại nhau lúc Phaolô bị bắt giam lần thứ nhất ở Rôma như được diễn tả trong Thư Thánh Phaolô gửi Côlôssê 4.10). Theo lưu truyền, Matcô còn là môn đệ của Thánh Phêrô (Thư I Phêrô 5.13) và đã thành lập giáo đoàn ở Alexandria bên Ai Cập. Matcô chết cách tự nhiên và hài cốt được giữ lại tại Venezia, thành phố trên biển của nước Ý. Vẫn còn đền thờ Thánh Matcô rất lớn và đẹp ở thành phố nầy cho đến ngày nay.
Matcô là tác giả Phúc Âm Thứ II. Có nhiều bằng chứng:
Trong Phúc Âm, Matcô tỏ ra là một người Do Thái chính gốc và hiểu biết về địa dư, nghi lễ trong đền thờ và giáo quyền thời ấy.
Là môn đệ của Phêrô, nên chính ông và chỉ có ông biết những điểm yếu của Thánh Phêrô như nóng tính và nhút nhát.
Phúc Âm Matcô ngắn nhất. Phúc Âm được chép lại những gì Phêrô giảng theo yêu cầu của tín hữu đầu tiên ở Rôma. Ông chỉ ghi lại trung thực những gì Phêrô giảng không thêm bớt.
Chủ đề của Phúc Âm Matcô:
Những gì Chúa đã làm chứng tỏ Đức Giêsu là Con Thiên Chúa như Cựu Ước tiên báo.
Bố cục Phúc Âm Matcô:
Từ chương 1-10: Chúa giảng dạy ở Nazarét, Betsaida, Tirô, Siđon, Miền Thập Tỉnh, tại Cêsarêa và Giêrusalem.
Chương 11-16: Vào Giêrusalem, tranh luận với Biệt Phái, loan báo thế mạt. Những đau khổ phải chịu, bữa tiệc ly, khổ hình thập giá, cái chết và phục sinh.
Mùa Vọng
Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Mùa vọng được Giáo Hội ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh (25 tháng 12) để các tín hữu Công giáo chuẩn bị mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Mùa Vọng nhắc nhở cho mọi tín hữu Công giáo 4 nghĩa sau đây:
Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do Thái mong đợi Đấng Messia, tức Chúa Kitô đến để “giải phóng” dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2.000 năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.
Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.
Ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25.12.
Điều quan trọng nhất là nhắc nhở mỗi người cần “tỉnh thức, sẵn sàng” đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình tức giờ chết, để Chúa đưa chúng ta về Nước Chúa muôn đời.
Vòng hoa 4 cây nến:
Bốn cây nến tượng trưng cho tuần trước lễ Chúa giáng sinh, mỗi tuần đốt thêm một cây. Ba cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng dùng cho Chúa nhật thứ 3, nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: Hãy vui lên… vì Chúa đang đến! Vòng hoa mùa Vọng với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời. Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu. Nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô.
Kể từ thời xưa cổ, một vòng hoa là tượng trưng cho sự chiến thắng. Hình tròn của vòng hoa là nhắc nhở cho chúng ta biết về tình yêu thương bất tận của Thiên Chúa, dành cho chúng ta.
Màu xanh lá cây chính là màu chỉ năm phụng vụ, vốn diễn tả về niềm hy vọng trong tình yêu thương bất diệt của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Những cành của cây thông quanh năm suốt tháng đều có màu xanh lá cây. Những cành cây lúc nào cũng có màu xanh này cùng gộp lại với nhau để hình thành nên một vòng hoa là nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa và sự Mạc khải của Ngài thì không bao giờ thay đổi, cũng giống như cây thông, lúc nào cũng xanh tươi vậy.
Có 4 cây nến được phân chia ra theo đúng khoảng thời gian của Mùa Vọng. Mỗi cây tượng trưng cho một trong “4.000 năm” mà Thánh Kinh được trao ban cho chúng ta kể từ khoảng thời gian mà ông Adong qụy ngã vì tội lỗi cho đến khoảng thời gian sinh hạ ra Đấng Cứu Chuộc nhân loại.
Cây nến màu tím (purple) đầu tiên được thắp sáng lên vào ngày Chủ Nhật Đầu Tiên của Mùa Vọng và trong suốt tuần lễ đầu tiên đó. Màu tím tượng trưng cho khoảng thời gian chuẩn bị, và ăn năn hối cải, cũng như tượng trưng cho sự vương giả. Vào Chủ Nhật Thứ Ba của Mùa Vọng, vốn được biết đến như là Chủ Nhật Gaudete (Gaudete Sunday), thì cây nến có màu giống như bông hồng được thắp sáng lên cùng với hai cây nến màu tím. Bông hồng tượng trưng cho sự mừng rỡ, sướng vui và niềm hân hoan sắp tràn dân của mọi người tín hữu. Đây là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta hồ hởi với niềm vui và sự rạo rực về việc Chúa Kitô sắp sửa đến với chúng ta trong hình hài của một Hài Nhi Bé Nhỏ.
Và cây nến màu tím cuối cùng sẽ được thắp sáng lên trong ngày Chủ Nhật Thứ Tư của Mùa Vọng ám chỉ đến việc chúng ta mãi sốt sắng và kiên trì hơn rất nhiều trong việc chuẩn bị cả thể xác, tâm hồn lẫn con tim để đón nhận Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh. Mùa Vọng chính là mùa của Sự Đợi Chờ cùng với niềm Hy Vọng về Ánh Sáng của Chúa Kitô: Ánh Sáng của Cả Thế Giới !
III. Thực hành Phúc Âm:
Xin hãy làm ngọn nến hy vọng cho đời.
Trong phòng tối có bốn ngọn nến đang cháy.
Xung quanh thật yên tĩnh đếm mức chúng ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm của chúng:
Ngọn nến thứ nhất nói: TÔI LÀ HIỆN THÂN CỦA HÒA BÌNH.
Cuộc đời sẽ như thế nào, nếu không có tôi. Tôi thực sự quan trọng cho mọi người.
Ngọn nến thứ II lên tiếng: TÔI LÀ HIỆN THÂN CỦA LÒNG TRUNG THÀNH.
Hơn tất cả, mọi người cần đến tôi.
Đến lượt mình, ngọn nến thứ III lên tiếng: TÔI LÀ HIỆN THÂN CỦA TÌNH YÊU.
Tôi mới thực sự quan trọng. Hãy thử xem cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có tôi.
Đột nhiên cánh cửa chợt mở. Một cậu bé chạy nhanh vào phòng. Một cơn gió ùa vào làm tắt cả 3 ngọn nến. Tại sao cả 3 ngọn nến lại tắt. Cậu bé sửng sốt hỏi và oà lên khóc.
Lúc nầy ngọn nến thứ IV mới lên tiếng: Đừng lo lắng cậu bé! Khi tôi vẫn còn cháy thì vẫn còn có thể thắp sáng lại cả 3 ngọn nến kia. Bởi vì TÔI CHÍNH LÀ NIỀM HY VỌNG.
Ước gì ngọn lửa hy vọng sẽ luôn đồng hành với các bạn trong suốt cuộc đời.
Khi giữ được hy vọng chúng ta có thể thắp sáng lại ngọn lửa của hòa bình, của trung thành và tình yêu.
Hãy là ngọn nến HY VỌNG cho hoà bình, cho trung thành và cho tình yêu.
Hãy là ngọn nến HY VỌNG cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội đang có quá nhiều thất vọng và chán chường.
Cho nhau niềm hy vọng để vui sống
Quyển sách “ĐẤT THIÊN THAI” của nhà văn Trà Lũ do Hoa Lư xuất bản tháng Tư năm 2011 bao gồm 30 chuyện phiếm gây phấn khởi và hy vọng cho độc giả. Tiểu đề số 12 “Biết Cám Ơn” trang 148 tác giả viết:
“Cũng trong dịp lễ Quốc Khánh, Tạp chí Homemakers xin độc giả cho biết 10 điều nổi bật của Canada. Đây là kết quả được xếp hạng như sau:
Canada tuyệt vời vì đa văn hoá.
Đất nước Canada có cảnh trí xinh đẹp và hùng vĩ nhất thế giới.
Người Canada có bản tính thân thiệt, hoà nhã, thành thật và hiếu khách.
Canada có 4 mùa rõ rệt, và mùa Thu lá vàng đẹp rực rỡ nhất.
Canada là đất nước tôn trọng và đề cao sự tự do của mọi người.
Canada là nước có nền y tế đại chúng miễn phí cho hết mọi dân.
Canada là nước đẻ ra môn thể thao băng cầu Hockey.
Canada là nơi có trữ lượng nước ngọt lớn nhất thế giới.
Rặng núi Canadian Rocky ở Miền Tây và Ngũ Đại Hồ với sông đào St. Laurent ở Miền Đông là những thắng cảnh mà người Canada nào cũng tự hào.
Hệ thống Càphê Tim Hortons là một biểu tượng của Canada.
Hãy bắt chước nhà văn Trà Lũ: Cho nhau niềm hy vọng vui sống bằng những nhận xét vừa thực vừa tích cực như trên. Rất nhiều lần, chúng ta có kinh nghiệm khi tiếp xúc với bạn bè các nước khác, nhất là ở Mỹ, khi họ hỏi “Where you come from?” Chúng ta trả lời “from Canada!” Họ liền co tay, rụt cổ làm như người sắp chết cóng vì thời tiết lạnh lẽo. Không quan trọng lắm! Nhưng cử chỉ nầy cho thấy người ta chỉ biết Canada có một mặt và là mặt tiêu cực.
Đời sống có quá nhiều thất vọng và rất khan hiếm hy vọng. Hãy cho nhau hy vọng để vui sống. Mùa Vọng, mùa mong đợi Chúa là niềm Hy vọng đến với mọi tâm hồn. Hãy sống TIN, YÊU và HY VỌNG. Hãy thắp cho nhau ngọn nến hy vọng. Hãy cho nhau niềm hy vọng vui sống bằng khuyến khích nâng đỡ nhau hơn là chê bai và chỉ trích.